EU và Mỹ hướng đến dàn xếp tranh chấp thuế thép và nhôm

EU và Mỹ hướng đến dàn xếp tranh chấp thuế thép và nhôm

EU và Mỹ hướng đến dàn xếp tranh chấp thuế thép và nhôm

Liên minh châu Âu (EU) đang để ngỏ khả năng giải quyết tranh chấp thuế trừng phạt của Mỹ với thép và nhôm trên cơ sở hạn ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Điều kiện của EU để đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump là bất kỳ sự hạn chế nhập khẩu nhôm và thép của 28 thành viên EU vào Mỹ đều không được thấp hơn số lượng nhập khẩu năm 2017.

Thỏa hiệp

Kim ngạch xuất khẩu nhôm và thép của EU vào Mỹ năm 2017 đạt 6,4 tỷ EUR (7,6 tỷ USD). Trước đó, tại một hội nghị của EU trong ngày 4-5, EU không đưa ra bất cứ hạn ngạch nào cho sản lượng xuất khẩu nhôm và thép sang Mỹ vì cho rằng việc tự hạn chế số lượng hàng xuất khẩu là đi ngược lại quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới gia hạn thêm 30 ngày miễn áp đặt thuế trừng phạt với nhôm và thép từ EU nhập khẩu vào Mỹ cho tới ngày 31-5 để hai bên thương lượng.

Theo Bloomberg, việc EU chấp nhận hạn ngạch với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ có thể là do áp lực từ bên trong khối này, theo đó duy trì lợi ích kinh tế ngắn hạn hơn là tuân thủ theo quy định của WTO. Mặc dù không chấp nhận các bên ra hạn ngạch về hàng xuất nhập khẩu nhưng WTO chỉ can thiệp khi có thành viên nộp đơn kiện.

Đến nay, EU xem mức thuế suất 25% của Mỹ đối với thép và 10% đối với nhôm là bất hợp pháp theo các quy định quốc tế và yêu cầu miễn thuế vĩnh viễn 2 mặt hàng này vô điều kiện. EU cũng đe dọa rằng nếu Mỹ áp thuế trừng phạt nhôm và thép với EU, khối này sẽ áp đặt thuế tiêu thụ với 2,8 tỷ EUR hàng nhập khẩu của Mỹ bao gồm xe máy Harley-Davidson, quần jean Levi và rượu whisky bourbon.

EU theo đuổi thỏa thuận “hạn chế”

Mặc dù EU có thể chấp nhận quota thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ nhưng về lâu dài, EU vẫn muốn Mỹ miễn thuế 2 mặt hàng này. Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom tuyên bố EU để ngỏ cho việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại “hạn chế” với Mỹ, một khi Washington đồng ý miễn hoàn toàn thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của châu Âu. Bà Malmstrom tuyên bố một thỏa thuận có giới hạn là điều có khả năng đạt được nếu các nước châu Âu muốn nhận được kết quả một cách nhanh chóng. Bà Malmstrom đưa ra lời phát biểu trên chỉ một vài ngày sau khi Mỹ trao cho châu Âu cùng một số đồng minh khác thời hạn một tháng để áp đặt các mức thuế gây tranh cãi đối với sản phẩm thép và nhôm, hành động trên đã giúp tạm tránh được nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại.

Vẫn theo bà Malmstrom, một thỏa thuận thương mại với Mỹ là vấn đề hoàn toàn khác với Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đầy tham vọng, vốn đã bị từ bỏ sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống. Các nhà quan sát nói rằng mặc dù thái độ cởi mở của EU đối với các cuộc đàm phán về tiếp cận thị trường xuyên Đại Tây Dương, EU hoàn toàn nhận thức được khả năng Mỹ đánh thuế nhôm và thép của khối này. Các nhà lãnh đạo ở Pháp và Bỉ đã tuyên bố rằng EU sẽ không đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ theo chiều hướng EU bị “dí súng vào đầu”.

>>>> Xuất khẩu thép tại Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm <<<<

Ông Lawrence Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, cho biết Tổng thống Donald Trump hy vọng EU sẽ nhượng bộ về vấn đề thuế nhập khẩu ô tô và thịt bò của Mỹ để đổi lấy việc Mỹ miễn thuế nhôm và thép của EU. Còn ông Fredrik Erixon, giám đốc Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế của châu Âu, nhận định trên thực tế, một số nền kinh tế như Mỹ và EU không có vấn đề bất bình đẳng thương mại đối với nhôm và thép mà Mỹ sử dụng thuế quan 2 mặt hàng này để tìm kiếm lợi ích từ các quốc gia khác.

Nguồn tin: www.sggp.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây