Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép các loại tháng 9 của cả nước đạt 497.535 tấn, tăng 7,66% so với tháng trước và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu thép các loại đạt trên 3,2 triệu tấn.
Sở dĩ xuất khẩu thép tăng do trong vài tháng gần đây được VSA nhìn nhận, do tác động tích cực từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…. Chính các hiệp định này đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn. Từ đó, lượng xuất khẩu của những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Hoa Sen Group… đều có chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát xác nhận chỉ trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu thép thành phẩm của doanh nghiệp này đã đạt gần 62.000 tấn, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu thép thành phẩm và phôi thép cũng tiếp tục tăng trưởng tốt. Lũy kế 10 tháng, thép thành phẩm xuất khẩu của Hòa Phát đạt 435.000 tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG), theo công bố mới đây của doanh nghiệp này, tổng sản lượng tiêu thụ của HSG trong quý 4 niên độ tài chính 2019-2020 ước đạt gần 525.300 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 154% so với cùng kỳ. Theo đại diện của HSG, tăng trưởng này đạt được chủ yếu nhờ thị trường nước ngoài khởi sắc. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu 3 tháng qua ước đạt 275.668 tấn, tăng 154% so với cùng kỳ, trong đó tháng 7 đạt 82.000 tấn, tháng 8 đạt hơn 92.000 tấn, tháng 9 đạt trên 101.000 tấn. Trong cả niên độ 2019-2020, Hoa Sen đặt kế hoạch tiêu thụ 1.500 tấn sản phẩm. Như vậy riêng trong ba tháng 7-8-9/2020, công ty đã thực hiện hơn 1/3 kế hoạch cả năm.
Cùng với xuất khẩu, VSA cho biết cả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép đều tăng trong 9 tháng đầu năm khi sản lượng đạt 18,34 triệu tấn, từ mức 17,46 triệu tấn của cùng kỳ năm 2019. Theo chia sẻ gần đây của ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch VSA, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây khó khăn lớn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước, nhưng cũng có những tín hiệu đáng mừng cho ngành trong giai đoạn này. Cụ thể là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công sẽ được triển khai tích cực và đưa ngành công nghiệp trong nước đi lên.
Từ tín hiệu trên, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính, nhu cầu cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4-5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, SSI cũng cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Cụ thể, theo Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020, và 2% cho cả năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp thép báo lãi lớn:
Nhờ kinh doanh phục hồi, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố cả niên độ 2019-2020 lãi 1.100 tỷ đồng - tăng 204% so với năm ngoái và vượt 175% chỉ tiêu đề ra ban đầu; Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng 2020 với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019; Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cho biết do chi phí giá vốn giảm sâu mang về lãi 100 tỷ trong quý 3/2020 - cao gấp gần 3 lần cùng kỳ… Thậm chí cả những doanh nghiệp thép quy mô nhỏ cũng báo lãi gồm: Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất lãi ròng 4,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 3 tỷ đồng); Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel lãi ròng 3,8 tỷ đồng, tăng trưởng 44,61% so với quý III/2019; Công ty CP Gang thép Cao Bằng lãi ròng 2,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 11 tỷ đồng)…