Trước tình hình chung của các ngành kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Sản xuất và bán hàng thép trong nước 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt có mức tăng trưởng âm là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất giảm 4% trong khi bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 5.728.408 tấn (giảm 6%), bán hàng thép các loại đạt 5.034.580 tấn (giảm 12,4%), xuất khẩu thép các loại đạt 1.024.908 tấn (giảm 21,3%) so với cùng kỳ quý I/2019.
Lo ngại dịch bệnh kéo dài
Đối với thép xây dựng, lượng hàng xuất bán trong quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 15% trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%. Trong tháng 3/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép đều giảm như quặng sắt giảm 6 USD/tấn; giá thép phế giảm khoảng 30 - 35 USD/tấn so với đầu tháng 2/2020; giá phôi thép Đông Nam Á giảm mạnh 40-50 USD/tấn. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 11.000 - 11.400 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Dự báo về bức tranh của ngành thép thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, với thị trường thép trong nước, sau thời gian chững lại của quý I/2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc với giá rẻ do Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức hoàn thuế đối với 1.084 hàng hóa xuất khẩu lên 13% và với 380 mặt hàng lên 10% kể từ ngày 20/3/2020.
Các sản phẩm thép bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như thép không gỉ, thép thanh, ống thép và các sản phẩm cuối cùng làm bằng thép như đồ dùng nhà bếp là một trong số 1.084 mặt hàng được hưởng hoàn thuế 13%. Hiện tại, các sản phẩm thép này hầu hết được hoàn thuế ở mức 9% hoặc 10%, tùy thuộc vào loại hoặc thông số kỹ thuật.
Với việc tăng hoàn thuế, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn để giảm giá xuất khẩu hơn nữa và do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc trên phạm vi quốc tế trong đó có Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc chào bán.
Với nguồn cung ứng nguyên liệu, trong ngắn hạn tác động không nhiều, tuy nhiên, 1 số nguyên liệu như than cốc, than điện cực… sẽ có nguy cơ hạn chế nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Với các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu thay thế từ Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bước sang tháng 4 và Quý II, tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong sẽ khó khăn hơn do nhu cầu thấp và lo ngại dịch bệnh còn kéo dài. Kể cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng sẽ rất khó khăn khi cuối quý II sẽ bước vào mùa thấp điểm xây dựng.
Chủ động kiểm soát tồn kho
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ, có thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời, có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.
Cùng với đó, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Sưa - chuyên gia ngành thép khuyến cáo, doanh nghiệp thép trong nước cần chủ động kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu để có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất. Mặt khác, để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp cần chú ý đến những diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo để có những chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường trong nước cũng như thế giới.
Để bảo đảm sản xuất, cung ứng hàng hóa được thông suốt, liên tục trong điều kiện dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành thép đã thực thi nhiều giải pháp để thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho biết, lường trước khó khăn do dịch bệnh gây ra, ngay từ đầu năm 2020, Thái Hưng đã có tính toán thay đổi cơ cấu thị trường để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
“Theo kế hoạch các năm, 40 - 45% thị trường tiêu thụ thép của doanh nghiệp là các dự án công trình lớn, còn lại là các công trình dân dụng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, chúng tôi cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường dân dụng chiếm tới 65 - 70%”, ông Thực cho biết.
Còn đối với Thép Hòa Phát, doanh nghiệp này đã và đang ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong điều tiết sản xuất, bán hàng, đồng thời thực hiện nghiêm nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Để giảm bớt khó khăn, một số doanh nghiệp thép thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, giãn việc… Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp thép, từ tháng 4/2020, Chính phủ áp dụng biện pháp cách ly xã hội, nhiều địa phương chưa hiểu đúng đã có biện pháp “làm quá” khiến việc lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp cũng khó khăn.
Bên cạnh đó, VSA kiến nghị cần sớm thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như thúc đẩy đầu tư công để kích thích tăng trưởng.